Mắt trợn ngược sau một lần cắt mí làm đẹp
Time 28/12/2017
Mắt trợn ngược không thể nhắm được ngay cả lúc ngủ, viêm kết mạc, nhiễm trùng, liệt cơ mí vĩnh viễn... là những hậu quả mà nhiều chị em gặp phải khi tự tìm đến các cơ sở, spa làm đẹp không an toàn để cắt mí.
Bước qua tuổi 40, da mí mắt trên của chị Bảo Ch. (Giảng Võ, Hà Nội) bị chùng dần xuống, khiến khuôn mặt trông mệt mỏi, già nua hơn. Chị quyết định đầu tư để đi "đại tu" mắt. Nghe nói đây là phẫu thuật đơn giản, không mất thời gian nên chị không đến bệnh viện mà tìm đến một thẩm mỹ viện tư nhân cho nhanh. Thế nhưng không hiểu sao sau một thời gian, khi nhắm mắt chị thấy hai bờ mi trên và mi dưới không khớp nhau. Chị đã quay lại cơ sở thẩm mỹ để sửa lại đến 2 lần nhưng hiện tượng này vẫn không mấy được cải thiện.
Tương tự, Trịnh Thị Tr. (20 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) đi làm thủ thuật cắt mí mắt. Kết quả là giờ đây, mắt trái của chị Tr. lúc nào cũng trợn ngược, không thể nhắm được ngay cả lúc ngủ.
Còn bà Hoài Thu V. (50 tuổi, ở khu đô thị Ecopark) từng "sống dở chết dở" vì trong này cưới con gái mình mà lại phải đeo kính râm suốt cả buổi. Chuyện là, vốn có đôi mắt không rõ mí nên trong một lần đến spa làm đẹp trước ngày cưới con gái, bà được các nhân viên ở đây tư vấn nên cắt mí để có đôi mắt to hơn, sâu và đẹp hơn trong dịp cưới con gái. Hai ngày sau khi thực hiện thủ thuật, bà V. đau và ngứa quanh vùng mí mắt phải. Đến ngày thứ ba, vết thương bắt đầu mưng mủ, chảy dịch và ghèn, nhìn mờ và đau nhiều đến nỗi không thể nhắm mắt được.
Mí mắt ngày càng sụp, nhìn mờ hơn, bà V. đến Bệnh viện Mắt TƯ khám thì được bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm kết mạc, nhiễm trùng, liệt cơ mí vĩnh viễn, chỉ định phẫu thuật rút chỉ, nạo sạch mủ và vệ sinh vết thương.
Những tai nạn tiềm ẩn khi cắt mí mắt ở những nơi không an toàn. Ảnh minh họa
TS Nguyễn Huy Cảnh – Phụ trách Phó Chủ nhiệm khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết anh cũng thường xuyên tiếp nhận các ca tai biến sau khi cắt mí ở các cơ sở làm đẹp khác đặc biệt là các spa. Dường như các khách hàng muốn nhấn mí, cắt mí còn coi thường nghĩ đó chỉ là ca phẫu thuật nhỏ. Thực chất để làm phẫu thuật này rất khó và phải bác sĩ có kinh nghiệm, tay nghề cao mới làm được. Còn việc phẫu thuật mí khi làm ở spa về kỹ thuật chỉ là dắt tay chỉ việc không biết được các can thiệp khác nhau.
Theo TS Cảnh, để làm nếp mí phải làm kỹ thuật cố định nếp mí và có nhiều kỹ thuật khác nhau. Nhấn mí cũng không phải chỉ luồn chỉ và khâu là xong. Tùy thuộc vào đặc điểm của mắt, phần mềm mắt, nông sâu của mắt, đo xem khâu bao nhiêu là được. Để hiểu biết cần có đào tạo cơ bản càng có kinh nghiệm càng có hiệu quả, biến chứng ít đi, hạn chế biến chứng.
Nếu người thực hiện không biết thì gây tình trạng sụt mi vì cố định quá cao vào cơ nâng mi, gây lộ chỉ, ở phía trong khi chỉ cọ sát giác mạc gây loét giác mạc, mất cân đối bên cao, bên thấp, gây viêm sụn, sưng nề thậm chí viêm rò và lộ cả chỉ ra ngoài. Ngoài ra, tại các spa người khâu nhấn mí thường đúng kỹ thuật dễ gây rúm và biến dạng mi mắt.
TS Cảnh cho biết, nếu làm nếp mí chuẩn nếp mí sẽ tồn tại nhưng theo thời gian mức độ lão hoá, chùng da thì nếp mi vẫn còn nhưng bị chùng da mi có thể thay đổi khi đó thành chùng da mi, nếp mi bị thay đổi vị trí, lúc đó có thể làm thêm các phẫu thuật khác.
Không chỉ các biến chứng do không có chuyên môn, việc thực hiện nhấn mí, cắt mí ở các cơ sở không cấp phép thì nguy cơ nhiễm trùng do trang thiết bị làm không đảm bảo vô trùng rất lớn. Khi đó, bệnh nhân nhiễm trùng vết mổ, lây truyền chéo, nhiễm HIV để có hệ thống tiệt trùng thì phương tiện và hiểu biết về tiệt trùng cũng rất quan trọng nếu không hiểu biết thì dụng cụ luộc cũng không có tác dụng.
TS Cảnh cho biết người ta nghĩ rằng kim tiêm luộc hết vi rút viêm gan B nhưng thực ra không hết. Đặc biệt, khi phẫu thuật thẩm mỹ người ta muốn làm cải thiện hình thể ngoài cho phù hợp với từng khuôn mặt, tất cả phẫu thuật thẩm mỹ đó phải không làm ảnh hưởng xấu tới chức năng cơ quan cần can thiệp, để làm thẩm mỹ phải đẹp hơn, tránh gây ra các biến chứng nặng nề.